(Bài viết đại giải tuần 2 cuộc thi "Viết bài hay - Nhận ngay nhuận bút" Eagle.vn)
Các vi khuẩn thuộc chi Lactobacillus từ lâu đã được sử dụng phổ biến trong các chế phẩm probiotic nhằm phòng ngừa và điều trị các bệnh lý đường ruột như tiêu chảy do Rotavirus, hội chứng ruột kích thích, viêm đại tràng, xơ nang, tiêu chảy du lịch, cải thiện chứng loạn khuẩn ruột do kháng sinh, sử dụng cho bệnh nhân thiếu men thủy phân lactose, dự phòng ung thư.
Lactobacillus fermentum là là một thành viên của chi Lactobacillus - nhóm các vi khuẩn thường được phân lập tự nội tại đường ruột hoặc các sản phẩm lên men từ sữa, bột bánh mì, nguyên liệu thực vật lên men. Vi khuẩn phát triển tốt trong môi trường acid pH 5,5-6,2, chúng tồn tại được ở cả pH dưới 5. Nhiệt độ phát triển tối ưu từ 30-40 độ C, phù hợp với thân nhiệt cơ thể người.
Nhiều nghiên cứu trong những năm gần đây tập trung vào loài vi khuẩn này, song song cùng sự đóng góp hàng loạt bằng sáng chế có liên quan đến L. fermentum tại Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc…
Vậy thì những hướng ứng dụng và ưu điểm nào của loài vi khuẩn này khiến giới chuyên môn quan tâm?
1. Khả năng kháng khuẩn
L. fermentum thể hiện đầy đủ khả năng tác động như một lợi khuẩn nội tại của hệ tiêu hóa. Được ứng dụng chủ yếu trong điều trị, hỗ trợ điều trị các bệnh lý về tiêu hóa.
Hiệu quả kháng khuẩn được chứng minh dựa trên mô hình đối kháng với vi khuẩn gây bệnh trên mô hình động vật. Kết quả nghiên cứu cho thấy khả năng ức chế các vi khuẩn Gram âm, ức chế một phần với Gram dương như Enterococcus và Staphylococcus. Nghiên cứu ghi nhận được L. fermentum có khả năng đối kháng tốt với Salmonella Typhimurium và Shigella sonnei.
Ngoài ra, các vi khuẩn chi Lactobacillus nói chung và L. fermentum nói riêng dần được biết đến các ứng dụng trên những vị trí khác ngoài đường uống, một trong những ứng dụng đó là điều trị nhiễm trùng âm đạo nhờ khả năng sản xuất hydro peroxyd và polymer biosurfactant có hiệu lực kháng khuẩn, kháng nấm trong đó có cả Candia albican. Hiện tại, người ta còn tính đến khả năng phòng ngừa các bệnh lý nhiễm trùng sinh dục bằng cách tẩm các L. fermentum lên bao cao su.
2. Tăng cường hệ miễn dịch
Khả năng tăng cường đáp ứng miễn dịch được chứng minh bởi Olivares, Díaz-Ropero trong một nghiên cứu mù đôi trên 50 người tình nguyện tiêm chủng vacxin cúm anti-influenza. Kết quả cho thấy khi sử dụng thêm L. fermentum bổ sung cho người tình nguyện bằng đường uống trước và sau khi tiêm cho thấy sự thay đổi đáng kể về thông số miễn dịch so với nhóm chứng, cụ thể ở sự tăng nồng độ kháng thể IgM và IgA. Tiếp tục theo dõi nhóm bệnh nhân trong 5 tháng sau tiêm chủng cho thấy tỷ lệ mắc cúm thấp hơn ở nhóm sử dụng L. fermentum.
3. Khả năng chống oxy hóa
Năm 1996, các thử nghiệm invitro về khả năng chống oxy hóa bắt đầu được thực hiện bởi một công trình hợp tác nghiên cứu tại châu Âu. Khả năng chống oxy hóa tiếp tục được thử nghiệm lâm sàng kéo dài 12 năm trên L. fermentum cho thấy tính khả năng cải thiện hiệu quả hoạt động chống oxy hóa của huyết thanh, hiệu quả trong hoạt động cải thiện lipid huyết.
Tiềm năng ứng dụng của L. fermentum ngày càng được làm rõ, chứng tỏ một số khả năng vượt trội trong kháng khuẩn, hạ lipid huyết, tăng cường miễn dịch, chống oxy hóa. Nhiều nghiên cứu vẫn đang được tiến hành trên vi khuẩn này nhằm làm rõ cơ chế tác động và những khả năng khác của L. fermentum trong dự phòng và điều trị bệnh.
--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Singh VP, Sharma J, Babu S, Rizwanulla SA, Singla A. Role of probiotics in health and disease: a review. J Pak Med Assoc. 2013;63(2):253-7.
2. Brusk UF, Husmark U, Håkansson EG, Rönnqvist D. Biologically pure strain of Lactobacillus fermentum, strain Ess-1. Google Patents; 2012.
3. Conway PL. Probiotic bacterium: Lactobacillus fermentum. Google Patents; 2004.
4. Husmark U, Forsgren Bu, Grahn He, Rönnqvist D. Lactobacillus fermentum ess-1, dsm17851 and its use for the treatment and/or prevention of candidiasis and urinary tract infections. Google Patents; 2014.
5. Mikelsaar M, Zilmer M. Lactobacillus fermentum ME-3-an antimicrobial and antioxidative probiotic. Microbial ecology in health and disease. 2009;21(1):1-27.
6. Simons LA, Amansec SG, Conway P. Effect of Lactobacillus fermentum on serum lipids in subjects with elevated serum cholesterol. Nutrition, metabolism and cardiovascular diseases. 2006;16(8):531-5.
7. Reid G, Bruce AW, Fraser N, Heinemann C, Owen J, Henning B. Oral probiotics can resolve urogenital infections. FEMS Immunology & Medical Microbiology. 2001;30(1):49-52.
8. Hsin C, Wuchiuan C, Yu S, Wuchiuan C, Chih H, Wuchiuan W. Condom coated with Lactobacillus compositions. Google Patents; 2005.
9. Gan BS, Kim J, Reid G, Cadieux P, Howard JC. Lactobacillus fermentum RC-14 inhibits Staphylococcus aureus infection of surgical implants in rats. Journal of infectious Diseases. 2002;185(9):1369-72.
10. Olivares M, Díaz-Ropero MP, Sierra S, Lara-Villoslada F, Fonollá J, Navas M, et al. Oral intake of Lactobacillus fermentum CECT5716 enhances the effects of influenza vaccination. Nutrition. 2007;23(3):254-60.