Chấp nhận sự khác biệt

Vài tháng trước đây, mình đã đọc một câu chuyện kể về người thầy dạy học trò cách bảo vệ thành quả lao động của mình. Ừ, có lẽ mình phải học điều đó. Quăng mọi lo nghĩ về bài báo cáo sang một bên và tập trung vào những mục tiêu khác của bản thân.
Mình đã công tác tại nhiều tổ chức, hoạt động đoàn từ hồi mới vào trường; ở môi trường này có lẽ chỉ có hoạt động đoàn là cái lý tưởng của một nhóm làm việc, đơn giản chúng ta khao khát thành công của chương trình, cùng chung một mục tiêu để phẩn đấu. Ở đó chúng ta làm không vụ lợi đơn giản vì tình yêu.
Nhưng ở một mảng khác, công việc, học tập... hình như nó không đơn thuần như vậy. Mục tiêu của mỗi người một khác, tính cách một khác, trách nhiệm một khác.
Họ nhanh nhẹn, lanh lẹ, giải quyết vấn đề rất mau chóng. Nhưng, họ khác mình, họ không cầu toàn.
Họ đọc vấn đề, lướt vấn đề vùn vụt gần tốc độ ánh sáng, mình không có được cái tốc độ đó. Nhưng điều quan trọng, mình không thấy yên tâm, mình cảnh giác với những ý kiến họ đưa ra. Tuy nhiên, khẳng định vấn đề chắc nịch là điều họ luôn làm được ở mỗi cuộc tranh luận. Điều đó khiến mình không thể phản bác. Thật ra điều đơn giản trí nhớ mình không được tốt, nền tảng kiến thức mình chưa vững chắc, nên dù thấy nghi ngờ, mình chỉ cảnh giác và im lặng. Có hai giả thiết đưa ra: hay là họ quá giỏi, hay là họ vội vàng. Định thần lại, mình tự nhủ bản thân: trau dồi lại kiến thức của mình, hãy chậm và chắc, điều một nhân viên y tế kết luận, ảnh hưởng đến sinh mạng của một con người hoặc thậm chí nhiều người.
Họ không cầu toàn, họ chỉ làm đến thế, họ nói rằng nó là như vậy và không bao giờ lật ra đọc lại. Có thể nền tảng họ quá chắc chắn? Nhưng dù sao hãy học hỏi tính nhanh nhẹn đó, bệnh nhân không thể cứ chờ mình nhớ bài, chờ mình phân vân.
Tính trách nhiệm, điều này mình dám khẳng định chắc chắn một điều là không cao lắm ở họ. Những buổi họp nhóm nhiều khi có mùi gió với phần tranh luận rất sôi nổi, nên phần mình nhiều khi mình chẳng dám phán. Luôn đưa ra dẫn chứng thuyết phục kèm theo tài liệu trích dẫn là một ưu điểm. Nhưng với cái tính cẩn thận, đa nghi mình thấy không tin tưởng lắm. 
Mình luôn là người tổng hợp, mình thiếu yên tâm với sự bừa bãi trong định dạng, mình ghét sự cẩu thả. Và nếu không phải là người tổng hợp, mình lại là người sửa cuối cùng trước khi gửi bài. Nhưng, từ nay mình học cách chấp nhận, đơn giản mình cần giành thời gian đó cho những mục tiêu khác, rèn luyện những kỹ năng khác.
Chấp nhận sự khác biệt!
Những người trong nhóm, họ hướng ngoại, họ giao tiếp tốt, đôi lúc họ cẩu thả. Có thể hoàn toàn ngược với mình. Nhưng sống là chấp nhận khác biệt, biết mỉm cười để không bỏ lỡ đi những mối quan hệ mới. Tính cách của mình không phù hợp làm việc với nhiều người, chẳng riêng gì họ đâu. Mà nhìn chung thấy chơi cũng được, những người bạn khá hòa đồng và vui vẻ, gặp người khó tính và khó chịu như mình thì đành phải chịu thôi. Chỉ là trong công việc không phù hợp một tí.